Blog công nghệ Duchuymobile.com

Thứ Sáu, 11 tháng 11, 2016

Đánh giá iPhone 7 Plus xách tay chính hãng

iPhone 7 Plus không có quá nhiều thay đổi về mặt tính năng so với thế hệ cũ, iPhone 7 Plus là sự thụt lùi của Apple”… Chắc chắn là các bạn đã nghe rất nhiều những nhận định đó từ những người xung quanh. Nếu là iFan, “mình thích thì mình mua thôi”, nhưng nếu là người dùng bình thường, hay thậm chí là Android fan muốn đổi gió thì iPhone 7 có xứng đáng để mua hay không lại là một câu chuyện khác.

Thiết kế:



iPhone 7 Plus xách tay Tạp chí WSJ từng đăng một câu nói nổi tiếng: nếu nó không có vấn đề gì thì đừng tìm cách sửa nó. Thiết kế của iPhone về một mặt nào đó đúng là không có vấn đề, khi nó vẫn dễ chịu để cầm và dễ nhìn với hầu hết mọi người.

Thế nhưng với một công ty được đánh giá cao về mặt thẩm mỹ như Apple, 3 năm không thay đổi thiết kế là cả một khoảng thời gian dài. Không phải Apple không làm gì, thiết kế iPhone được cải tiến và dần thay đổi để hoàn thiện hơn qua từng thế hệ, từ vật liệu cho đến những hình khối, những đường nét nhỏ. Thế nhưng rõ ràng những cải tiến đó là không đủ, hãy nhìn sang Note 7 hoàn thiện không tốt bằng nhưng có thiết kế truyền cảm hứng hơn nhiều, nhìn sang Xiaomi Mi Mix với viền màn hình mỏng dính và thiết kế độc đáo hơn, chúng ta có thể thấy iPhone 7 và những người anh em của nó đang hơi lỗi nhịp với thời đại rồi.




Trên iPhone 7 Plus, tỉ lệ sử dụng màn hình ở mặt trước vẫn quá thấp, viền màn hình vẫn quá lớn nên các bạn sẽ thấy một chiếc máy lớn hơn so với những điện thoại khác cùng kích cỡ. Apple cũng đã trang bị rất nhiều gioăng cao su và keo chạy dọc khung máy để tăng cường khả năng chống nước nên phần chênh giữa những thành phần độc lập có thể cảm nhận dễ dàng hơn, đặc biệt là ở khu ghép nối giữa màn hình và thân máy. Đây là những điểm mà mình không thích, nhưng rồi cũng dần phải quen.


Nói về chống nước, iPhone 7 Plus cho phép sử dụng dưới nước nhưng không khuyến cáo dùng khi đi lặn hay các hoạt động thể thao dưới nước. Mình dùng khi đi tắm, ngâm bồn hay đi bơi thì đều chưa gặp vấn đề gì cả. Nhưng bạn cũng cần lưu ý là nếu máy đã bị mở ra (không phải do kỹ thuật Apple) hoặc bị rơi thì nên cẩn thận. Một người bạn của mình bị rơi, móp máy, khi đem xuống hồ bơi nước vào bên trong. May mắn là bên trong iPhone 7 Plus có rất nhiều gioăng cao su nên nước không vào linh kiện mà chỉ đọng hơi nước trong cụm camera thôi, hút ẩm là dùng lại bình thường. Không phải ai cũng may mắn như vậy nên nếu mua máy cũ các bạn cũng cần để ý đấy.

Phím home là một tính năng mới mà mình thích trên iPhone 7 Plus, khi chưa quen thì rất khó chịu nhưng sau đó thì lại thấy tốt hơn rất nhiều, không sợ hỏng nút home như các máy cũ mà thao tác đa nhiệm lại nhanh chóng hơn.


Về phần jack cắm tai nghe, rõ ràng đây là một điểm không tốt của iPhone 7. Cứ cho là nó sẽ thúc đẩy âm thanh tốt với bằng cách sử dụng DAC ngoài, cứ cho là tai nghe Bluetooth đang ngày một phát triển hơn (doanh thu tai nghe không dây ở Mỹ đã vượt qua tai nghe có dây) nhưng với đại đa số người dùng thì tai nghe là cái gì đó quá quen thuộc và chúng ta đã phải đầu tư quá nhiều tiền cho nó. Hơn nữa, dù Apple có tặng kèm tai nghe Lightning và adapter chuyển đổi Lightning sang 3.5mm trong hộp nhưng việc không vừa sạc vừa nghe nhạc được (rất cần thiết khi đi máy bay hay các phương tiện công cộng) và phải mang theo một adapter cũng khá là bất tiện.

Màn hình:
iPhone 7 Plus “Điện thoại 2016 mà màn hình vẫn dùng FullHD, thế thì rỗ chết. Dùng cái tấm nền gì 3 năm mà không thay đổi, lỳ như trâu. Hút máu, độ phân giải chả khác gì mấy điện thoại Android 6 triệu”.



Đúng là rất dễ để đưa ra những nhận định đó, và cũng rất dễ ăn gạch nếu nói iPhone 7 Plus là điện thoại có màn hình xuất sắc nhất thế giới ở thời điểm này. Nhưng dừng lại đó đã, ở một góc độ nào đó thì iPhone 7 Plus thật sự xuất sắc nhất.

Cùng là màn hình FullHD nhưng có rất nhiều kiểu tấm nền khác nhau, có nhiều kiểu căn chỉnh khác nhau, nhiều kiểu thiết kế khác nhau. Trên iPhone 7 Plus, Apple vẫn dùng tấm nền IPS LCD nhưng lần này thì họ mở rộng ra hỗ trợ không gian màu DCI-P3, không gian màu dùng trong điện ảnh có khả năng hiển thị nhiều trạng thái màu sắc hơn là dải màu sRGB vốn khá hẹp được sử dụng rộng rãi. Bạn cứ thử tưởng tượng trước kia chúng ta có màu đỏ, giờ thì có màu đỏ đỏ hơn, màu cam cam hơn, màu vàng vàng hơn và hồng thì hồng hơn. Tuy vậy, màu xanh lá thì không xanh lá hơn nhiều nhé, vì không gian màu DCI P3 không mạnh ở dải màu này.
“DCI-P3 thì có gì mới, LG G5 chả phủ 98% không gian màu DCI-P3 đấy thôi.
Samsung không thèm nhắc đến không gian màu rộng thôi, chứ màn hình AMOLED trước giờ không gian màu vẫn rộng thôi.”


Ok, đó là sự thật. Nhưng Apple luôn có một điểm mà các nhà sản xuất Android khác không có được: khả năng quản lý iOS. Khi Apple nói họ hỗ trợ DCI-P3, thì cả phần cứng và phần mềm đều hỗ trợ, camera chụp ảnh ra ở profile màu DCI P3, màu sắc hiển thị trong những ứng dụng nào hỗ trợ DCI-P3 sẽ là DCI-P3, ứng dụng nào chưa hỗ trợ DCI thì hiển thị ở không gian màu sRGB. Đây là điểm rất quan trọng vì nếu bắt tất cả các nội dung đều hiển thị ở DCI-P3 dù nó không hỗ trợ thì hình ảnh có thể trở nên rất ảo và bị lệch màu.



Thiết bị di động đầu tiên của Apple hỗ trợ DCI-P3 là iPad Pro 9.7”, trước đó thì dù Mac OS là hệ điều hành máy tính hỗ trợ quản lý màu sắc tốt nhất nhưng iOS thì chẳng có một cơ chế quản lý màu nào cả, giống như Android. iOS 9 trên iPad Pro 9.7 bắt đầu xuất hiện nhưng cơ chế quản lý màu và hoàn thiện hơn nữa trên iOS 10 của iPhone 7 Plus. Rõ ràng Google đã chậm chạp trong việc hỗ trợ Android, làm cho các nhà sản xuất nền tảng này bị mất lợi điểm so với Apple.


Và đó là chúng ta cũng chưa nhắc đến việc có vẻ như Apple đã cân chỉnh từng tấm nền một để có được kết quả hiển thị đồng nhất giữa các tấm nền khác nhau về màu sắc. Một số báo cáo cho thấy có sự đồng đều về màu sắc giữa tất cả các màn hình iPhone bán ra cùng một thị trường, điều rất hiếm hay thậm chí là chưa từng xảy ra với các sản phẩm khác.

Nếu có điểm gì đó giữ không cho màn hình iPhone 7 Plus trở thành xuất sắc nhất thì đó là độ phân giải vẫn là FullHD và sự không đồng nhất giữa những thị trường, có thị trường máy cho màn hình màu xanh hơn và thị trường thì ngả vàng hơn (điều này còn gây tranh cãi). Ngoài ra, việc thiếu vắng công nghệ True Tone từng xuất hiện trên iPad Pro 9.7 cũng là một điểm đáng tiếc.

Hiệu năng:

“Điện thoại gì lèo tèo 3GB RAM, CPU 4 nhân trong khi người ta 8 nhân, 10 nhân, chạy thế quái nào được”​

Chúng ta chẳng cần quan tâm đến hiệu năng của iPhone, vì nó tốt và luôn tốt như thường lệ. Kỳ này thì Apple trang bị iPhone 7 Plus 3GB RAM, nhưng nó cũng chẳng khác biệt mấy so với iPhone 7 đâu vì lượng RAM đó dùng để gánh cho màn hình độ phân giải cao hơn.



Nếu quan tâm đến các con số benchmark thì iPhone 7 Plus mạnh hơn khoảng 40-50% so với thế hệ cũ, không phải vì nó có 4 nhân xử lý mà vì có xung nhịp cao hơn, lên tới 2.3GHz so với 1.8GHz trước kia. 2 nhân xử lý phụ trên iPhone 7 Plus có vẻ như không được thiết kế theo kiến trúc big.Little, nên nó sẽ không kích hoạt 4 nhân cùng lúc. 2 nhân phụ này có lẽ chỉ hoạt động khi máy ở chế độ sleep hoặc chạy ứng dụng rất nhẹ.

Bộ nhớ:
Trong thời gian vừa qua thì các bạn cũng có nghe về việc iPhone 32GB chậm hơn 128GB. Thực ra thì mình dùng 32GB cả tháng rồi dùng 128GB nửa tháng, chẳng thấy khác biệt thực tế nào ngoại trừ việc 32GB hết dung lượng nhanh hơn Trong các bài thử benchmark hay thử so sánh cạnh nhau, hoặc nếu bạn thường xuyên chép dữ liệu vào máy thì có thể 128GB sẽ có ưu thế hơn, nhưng mọi chuyện cũng chỉ có vậy.




Có một số bạn nghĩ rằng mua 256GB sẽ là nhanh nhất, vì theo lý thuyết thì bộ nhớ flash dung lượng cao thường dùng nhiều chip nhỏ, chia nhiều làn dữ liệu để truyền tải nhanh hơn. Trên thực tế, Apple dùng chip nhớ dung lượng cao để tiết kiệm diện tích, nên tốc độ 256GB và 128GB là gần như tương đương. Hiệu năng SSD của iPhone 7 và iPhone 6 cũng không khác nhau mấy, Apple vẫn sử dụng controller riêng do họ từ chế tạo nên tốc độ cũng như băng thông iPhone 7 Plus vẫn dẫn đầu.




Trong bài review iPhone 7 Plus này thì chúng ta có sự xuất hiện của mục bộ nhớ, vì năm nay Apple đã nâng gấp đôi dung lượng iPhone lên 32GB thay vì 16GB như năm ngoái. Cá nhân mình thấy 32GB là đủ, thậm chí dư xài nếu bạn mua các gói iCloud. Mình dùng iCloud giá khoảng 21 ngàn 1 tháng (0.99$), được 50GB, các hình ảnh đều được tải lên iCloud tiết kiệm rất nhiều dung lượng. Nếu bạn nghe nhạc nhiều thì 32GB là không đủ, còn với đại đa số người dùng mình thấy bản 32GB là hợp lý nhất về cả chi phí lẫn mức độ sử dụng.

Pin:





Sử dụng pin 2900mAh, pin của iPhone 7 tốt hơn 6s Plus nhưng không nhiều. Nếu xài nhiều thì khoảng 3 giờ chiều iPhone 6s Plus hết pin còn iPhone 7 vào khoảng 4 giờ. Hôm nào mình dùng ít, 7 giờ hơn phải sạc lại iPhone 6s Plus thì iPhone 7 Plus còn khoảng 15%.

Pin thì tốt rồi, nhưng mà iPhone 7 vẫn còn dùng sạc 5V 1A. Đây là năm 2016, tức iPhone ra được 9 năm rồi, mà Apple vẫn dùng cục sạc thời tiền sử với tốc độ sạc rất chậm này thì đúng là không thể chấp nhận được. Đây mới là hút máu thật sự. Chắc phải năm sau chúng ta mới có sạc mới, có thể là sạc nhanh.
Xem thêm pin và sạc chi tiết của iPhone 7 Plus tại đây.

Camera:
Không phải là chiếc điện thoại có 2 camera đầu tiên, nhưng tính đến thời điểm này thì iPhone 7 Plus đang là sản phẩm ứng dụng 2 camera một cách hợp lý nhất với sự xuất hiện của một camera góc rộng và một camera tiêu cự trung bình. Huawei P9 làm rất tốt nhiệm vụ của nó khi camera phụ trắng đen cho chất lượng hiển thị vượt trội, LG G5 cũng có góc rộng rất độc đáo nhưng tất cả những tính năng đó đều chỉ nhắm vào một số rất ít đối tượng người dùng thích chụp ảnh, còn camera trên iPhone 7 Plus phù hợp với đại đa số người dùng, những mẹ bỉm sữa thích chụp con nhỏ, một anh công nhân thích chụp người thân hay cô nhân viên văn phòng hứng thú với cảnh vật xung quanh.




Về chất lượng ảnh, ban ngày thì iPhone 7 Plus không khác biệt nhiều với iPhone 6s Plus, nhưng ban đêm thì bạn có thể thấy là Apple xử lý tốt hơn rất nhiều, đặc biệt là ở những khu vực phức tạp như shadow thì ít nhiễu và kiểm soát tốt hơn. Dù vậy, xét một cách tổng thể thì hiệu năng chụp đêm của iPhone 7 Plus vẫn thua một số đối thủ khác, dù những phần còn lại vẫn đủ sức gỡ lại.

Về hai camera, thuật toán xử lý của Apple ngày càng tốt hơn. Ống kính 56mm thật sự rất ấn tượng khi đủ sáng nhưng ban đêm thì nó rất tệ, tệ đến nối Apple tắt đi và sử dụng zoom số từ cảm biến chính để chụp. Đó chính là lý do mà khi bạn che camera phụ đi và zoom 2x thì hình ảnh vẫn hiển thị như bình thường khi chụp thiếu sáng. Đây là điểm mình không thích, nếu như Apple trang bị cảm biến và ống kính tương tự cảm biến chính thì sẽ tốt hơn, nhưng tiếc là không được vậy.

Khả năng quay phim của iPhone 7 Plus là tốt nhất ở thời điểm hiện tại so với tất cả các flagship trên thị trường. Apple sử dụng chip đồ họa của Imagination, được họ tối ưu lại và xử lý video tốt hơn hẳn các máy Android cao cấp dùng SnapDragon 820. Cứ thử quay phim trực tiếp từ hai máy thì các bạn sẽ thấy được sự khác biệt khá rõ ràng..

Ảnh chụp từ camera iPhone 7, dùng Lightroom resize còn 2048px, giới hạn dung lượng file là 300KB, ảnh không chỉnh sửa trên máy tính.

Ảnh trực tiếp từ camera:









Ảnh có áp màu trên iPhone:





Kết luận:






iPhone chưa bao giờ là chiếc điện thoại xuất sắc về mặt tính năng, những thứ nó mới bắt đầu trang bị thì người ta đã có cả 1-2 thế hệ trước. Nhưng nếu để sử dụng bình thường, ít nghịch, muốn cái gì đó nhanh, ổn định, luôn làm việc tốt khi chúng ta cần thì rõ ràng iPhone 7 Plus vẫn luôn là một thiết bị hàng đầu.

Sẽ hơi bất công khi nói iPhone 7 Plus chẳng có gì khác biệt so với iPhone 6s Plus. Nó được nâng cấp màn hình (khá nhiều), hiệu năng (40%), camera (lên gấp đôi, chụp chân dung tốt hơn), pin lâu hơn, nút Home tiện lợi hơn nhưng có lẽ từng đó là không đủ. Người ta vẫn sẽ mua iPhone 7 Plus, nhưng một phần là vì hợp đồng 2 năm từ iPhone 6/6 Plus đã hết hạn, một phần là vì Note 7 gặp sự cố, một phần nhỏ vì hai camera và chống nước, nhưng rõ ràng Apple cần làm nhiều hơn cho những sản phẩm thế hệ tiếp theo.

Dù sao đi nữa, iPhone 7 Plus vẫn là một chiếc điện thoại rất đáng mua, nhất là với những người hậu đậu sợ nước làm hỏng điện thoại hay muốn ghi lại những khung hình lạ mắt hơn, ấn tượng hơn với camera thứ 2.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét