Blog công nghệ Duchuymobile.com

Thứ Năm, 25 tháng 2, 2016

Trung Quốc đang là điểm sáng của thị trường smartphone

Quý IV/2015, thị trường smartphone thế giới tăng trưởng ở mức chậm nhất trong lịch sử: 6%. Trong khi đó, lợi nhuận của những đại gia công nghệ cũng không mấy sáng sủa: Lợi nhuận năm 2015 của Samsung, nhà bán lẻ smartphone lớn nhất thế giới, giảm 7,3%. Và trong bối cảnh này, thị trường Trung Quốc với những cái tên như Huawai, Xiaomi... được kỳ vọng sẽ là điểm sáng trong một bức tranh u ám.

Trang The Telegraph của Anh đã chỉ ra một số lý do dẫn đến sự tăng trưởng chậm lại của thị trường smartphone toàn cầu.

Trước tiên, hầu hết người tiêu dùng tại các quốc gia đang phát triển đã sở hữu điện thoại thông minh, trong khi những nền kinh tế đầu tàu như châu Âu và Nhật Bản vẫn đang chứng kiến sự giảm tốc. Thêm vào đó, sự chậm đổi mới của các nhà sản xuất smartphone khiến người dùng dè dặt hơn trong việc nâng cấp máy. iPhone 6s được chỉ trích vì không có gì mới nổi bật so với iPhone 6. Thực tế, nhiều chuyên gia đã dự đoán một ngày tàn của “giấc mơ tăng trưởng iPhone” khi doanh số bán iPhone đã chậm lại lần đầu tiên trong lịch sử 9 năm có mặt trên thị trường.

Tuy nhiên, dường như nhiều người đã quên Trung Quốc khi nhắc đến bức tranh toàn cảnh của thị trường điện thoại thông minh toàn cầu. Quy luật trong thế giới công nghệ đó là khi những doanh nghiệp hùng mạnh mất dần sức ảnh hưởng của mình, những doanh nghiệp bé hơn sẽ nổi lên thay thế. Và thị trường Trung Quốc với những cái tên đầy triển vọng như Huawei, Xiaomi hứa hẹn sẽ lặp lại quy luật này.

Huawei và Xiaomi là hai nhà sản xuất phần cứng cho các sản phẩm viễn thông lớn nhất thế giới và cũng là dự án khởi nghiệp có giá trị thứ hai toàn cầu (đứng sau Uber). Thành công của hai doanh nghiệp này, cùng với những cái tên như ZTE, Oppo phần lớn là do việc sản xuất và kinh doanh những sản phẩm di động giá rẻ và thuộc phân khúc tầm trung. Trong khi đó, chính phủ Trung Quốc, với những luật như cắt giảm thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp nội, đã càng làm tăng thêm sức mạnh cho những nhà sản xuất smartphone tại quốc gia này. Tuy nhiên, ước mơ của Huawei hay Xiaomi không chỉ có vậy. Họ muốn vươn mình để trở thành những nhân tố quan trọng trong cuộc chiến cạnh tranh toàn cầu.

Mặc dù vậy, khát vọng này của những doanh nghiệp Trung Quốc không phải lúc nào cũng trải đầy màu hồng. Xiaomi chỉ bán được 70 triệu chiếc smartphone trong năm 2015, giảm so với con số dự đoán 80 triệu chiếc trước đó. Chuyên gia phân tích Roberta Cozza đến từ Gartner khẳng định sự trỗi dậy của những nhà cung ứng dịch vụ như Baidu, Google, Wikipedia hay Facebook có thể sẽ là một mối đe dọa lớn với các nhà sản xuất smartphone Trung Quốc, mặc dù hiện nay một số vẫn đang bị cấm hoạt động tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Bà Roberta cũng nhận định, trong thời gian sắp tới, giá cả và tính năng phần mềm sẽ là 2 nhân tố quyết định của thị trường smartphone thế giới. Một mặt, kinh tế đi xuống đang giúp các điện thoại giá rẻ của Huawei và Xiaomi bán chạy tại những nền kinh tế phát triển. Nhưng mặt khác, tại những quốc gia mới nổi ở châu Á nơi mà người dân sẵn sàng bỏ số tiền lớn để có được trải nghiệm đẳng cấp, Apple hay Samsung vẫn là lựa chọn hàng đầu. Ngoài ra, trải nghiệm phần cứng sẽ trở nên ngày càng thứ yếu khi người dùng lựa mua smartphone. Thay vào đó, họ sẽ chú ý nhiều hơn đến những tính năng phần mềm, dịch vụ và ứng dụng tiện ích. Dịch vụ Internet mà Xiaomi phát triển đã tăng trưởng 150% trong giai đoạn 2014-2015.

Một khó khăn khác cho những nhà sản xuất giá rẻ đến từ Trung Quốc là những vụ kiện pháp lý. Trong khi Apple, Samsung hay HTC rất ái ngại việc đụng mặt nhau trên tòa, thì họ lại sẵn sàng tìm cách để kiện những công ty mới nhập cuộc đến từ Trung Quốc, nếu những hãng này có ý định tăng tầm ảnh hưởng tại châu Âu và Mỹ. Và trong khi sự cạnh tranh gay gắt của thị trường smartphone thế giới vẫn tiếp tục diễn ra, đòi hỏi các nhà sản xuất phải phát minh ra những công nghệ tiên tiến nhất, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét